Thông tin cá nhân
Họ tên: Nguyễn Minh Trang
Năm sinh: 1991
Sinh viên Học viện Âm nhạc Thượng Hải
Các thành tích đạt được:
HCV đàn đá Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn thành phố HN – 2007.
Giải nhất đàn tranh bảng B (bảng người lớn) concour Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần III – 2008.
Giải ba hòa tấu concour Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần II – 2008.
Đích thân bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mời về biểu diễn chương trình Chào xuân 2009 tại Đà Nẵng.
HCĐ đàn ching gram Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn thành phố HN 2009.
Được nhận học bổng Kumho Asiana, học bổng Toyota… cho học sinh xuất sắc.
Năm 2010 được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn cử đi học âm nhạc tại Thượng Hải - Trung Quốc
Sở hữu nhiều thành tích, hiện đang du học tại Thượng Hải, Minh Trang còn có khả năng chơi giỏi nhiều loại đàn và từng lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.
Sinh năm 1991, Nguyễn
Minh Trang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp học bổng âm nhạc tại Thượng
Hải, Trung Quốc. Cô gái trẻ học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc còn sở hữu
rất nhiều giải thưởng như HCV đàn đá ở Liên hoan hát dân ca và biểu diễn
nhạc cụ dân tộc Hà Nội (2007), Giải nhất, giải ba - đàn tranh tại liên
hoan Độc đấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc (lần 2 và 3). Năm
2009, cô được đích thân Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mời biểu diễn chương
trình Chào xuân 2009 tại Đà Nẵng.
Hiện, Minh Trang đang
đi du học ở Thượng Hải. Ở thành phố hiện đại, cô gái xinh xắn đam mê
nhạc cụ dân tộc đã có những chia sẻ về niềm đam mê của mình.
Tại sao em lại lựa chọn nhạc cụ dân tộc là hướng đi phát triển cho sự nghiệp?
Từ
nhỏ, Trang đã được bác ruột – NSUT Mai Lai – trưởng bộ môn Đàn tranh ở
Học viện Âm nhạc Quốc gia hướng cho học đàn tranh. Bản thân Trang khi
nghe những âm thanh trong trẻo, ngọt ngào, hình dáng nữ tình mềm mại của
cây đàn cũng đã rất thích.
Từ cô bé con hay “nghịch đàn”, Trang càng học càng say mê và gắn bó với nó. 9 tuổi Trang thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội (HVANQG bây giờ), chính thức theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Trải qua hơn 10 năm theo học, cho đến nay ngoài đàn thập lục thì Trang còn có thể biểu diễn được những loại nhạc cụ nào ?
Vì từ nhỏ đã được người
thân kèm cặp, dạy dỗ nên cho đến bây giờ mình còn có thế chơi đàn tam
thập lục, đàn t’rưng, đàn đá, k’long put, ching g’ram… nhưng Trang vẫn
thích đàn tranh (thập lục). Hơn nữa, đây là bộ môn đã gắn bó với mình từ
những năm đầu theo học. Bản thân Trang cũng đang là thành viên của ban
nhạc gia đình Tre Việt - cũng do 2 bác thành lập.
Trang có thường xuyên đi biểu diễn trong nước và quốc tế?
Trước
đây, khi còn học tập ở trường Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trang thường
xuyên được chọn để biểu diễn độc tấu, tham gia và các nhóm nhạc, dàn
nhạc của trường. Ngoài ra, mình còn cộng tác với nhiều đơn vị, nhà hát,
nhiều chương trình âm nhạc khác nhau.
Trang cũng đã có dịp
được hợp tác biểu diễn với các nhóm nhạc đến từ Thụy Sĩ, Thụy Điển… đi
lưu diễn giao lưu văn hóa tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc,
Philippines, Lào, Trung Quốc….
Khi đứng biểu diễn trên các sân khấu lớn, Trang có cảm thấy hồi hộp?
Trên sân khấu ở bất kỳ
quốc gia nào, Trang cũng đều dồn hết tâm trí và nhiệt huyết và phần biểu
diễn của mình, mong muốn đem lại cho khán giả những tiết mục đặc sắc,
đậm đà bản chất dân tộc.
Mỗi chuyến đi lưu diễn đều để lại những ấn tượng kỉ niệm khó quên, Trang luôn thích
thú khi được giao lưu với văn hóa của nhiều quốc gia, vừa có thêm nhiều
người bạn nước ngoài, lại cũng là dịp để đi du lịch.
Trang có ấn tượng đặc
biệt khi đi lưu diễn ở đất nước Nhật Bản. Họ làm việc với thái độ nghiêm
túc, yêu cầu cao. Từ khâu chuẩn bị, âm thanh, ánh sáng, tất cả đều được
làm rất cẩn thận, luôn hướng đến sự hoàn hảo.
Bắt đầu chương trình,
toàn bộ thính phòng im lặng không một tiếng động, tất cả khán giả đều
say mê chăm chú xem biểu diễn. Đến khi tiếng nhạc vừa dứt, những tràng
pháo tay không ngớt từ khán đài, khiến toàn bộ diễn viên đều rất hạnh
phúc, là nguồn khích lệ động viên lớn, để người nghệ sĩ lại tiếp tục
hăng say biểu diễn.
Kết thúc các chương
trình, khán giả Nhật cũng thường nán lại để trò chuyện giao lưu cùng
nghệ sĩ, tìm hiểu, chơi thử các cây nhạc cụ dân tộc độc đáo của VN.
Những lúc như vậy Trang dường như quên hết mệt mỏi của buổi diễn, nhiệt
tình giới thiệu cho họ về âm nhạc, văn hóa truyền thống Việt. Sự yêu
quí, trân trọng của khán giả Nhật nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung
giành cho nhạc cụ dân tộc VN khiến Trang rất cảm động.
Minh Trang và các em nhỏ ở Philippines.
Được biết hiện tại
Trang đang sinh sống và học tập tại Thượng Hải. Ở nơi đất khách quê
người, chắc hẳn bạn gặp không ít khó khăn?
Dù đã được bố mẹ hướng
cho lối sống tự lập từ bé, nhưng lúc mới sang đây Trang cũng không tránh
khỏi gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ với một môi trường mới, cuộc sống mới,
phải tập thích nghi với nhịp sống hiện đại sôi động, nhưng cũng đầy áp
lức ở Thượng Hải.
Lúc đầu, khó khăn lớn
nhất của Trang là về ngôn ngữ, khi năm đầu tiên em mới sang học tiếng,
giao tiếp là cả một vấn đề. Cũng như nhiều bạn lưu học sinh khác, khi đi
du học đều rất nhớ nhà, nhớ gia đình bạn bè. Khó khăn thì kể không hết,
nhưng Trang thấy vui vì đây cũng là cơ hội để mình trưởng thành hơn.
Cũng may mắn là Trang
được các thầy cô, bạn bè ở đây nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện. Học
tập bận rộn, áp lực cao, rồi phải sống cuộc sống tự lập hoàn toàn, khiến
thời gian ở Thượng Hải trôi qua rất nhanh, dường như tính thời gian
theo đơn vị tuần chứ không phải ngày giờ.
Hơn nữa, tiếng Trung là
1 trong những thứ ngôn ngữ khó. Trong năm đầu học tiếng, Trang đã thi
được bằng HSK (kì thi tiếng Trung tương đương IELTS của tiếng Anh) cấp
cao nhất khi mới học được 7 tháng tiếng Trung.
Dự định trong tương lai của em là gì ?
Sau khi học xong, mình
mong muốn được trở lại làm việc ở ngôi trường đã theo học từ nhỏ - Học
viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trở thành cô giáo dạy đàn cũng là ước mơ
từ nhỏ, và là mục tiêu phấn đấu trong suốt quá trình học tập của mình.
Trang mong muốn sẽ dùng
những kiến thức học tập được ở nước ngoài để về góp phần công sức giúp
bảo tồn và phát triển bộ môn đàn tranh nói riêng và nền am nhạc dân tộc
của Việt Nam nói chung, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với bạn bè trên
thế giới.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn